Cầu trục là thiết bị nâng hạ hoạt động trên hệ dầm đỡ gồm hai chuyển động chính (ngang, dọc trên cao nhà xưởng) để đảm bảo các thao tác nâng hạ, di chuyển tải trong không gian làm việc của cầu trục trong nhà xưởng.
 
1. Khái niệm chung về cầu trục

Cấu tạo cầu trục:
+ Tời nâng (Pa lăng/Xe con): Dùng để nâng hạ vật nặng, di chuyển vật nặng theo chiều di chuyển của xe con
+ Dầm chính: Là phần kết cấu thép để tời nâng chạy trên đó.
+ Dầm biên: Là phần thiết bị tạo ra chuyển động dọc nhà cho cầu trục
+ Đường cấp điện xe con: Là hệ thống cấp điện nguồn, điện điều khiển cho tời nâng
+ Tủ điện điều khiển cầu trục: Là phần thiết bị kết nối tời nâng với động cơ di chuyển dọc nhà của cầu trục, giúp cho toàn bộ cầu trục tạo thành một khối thống nhất có thể điều khiển được từ tay bấm điều khiển hoặc điều khiển từ xa.
+ Đường cấp điện dọc: Là hệ thống cấp điện cho toàn bộ các bộ phận sử dụng điện của cầu trục.
+ Ray cầu trục: Là phần giúp bánh xe của dầm biên chạy trên suốt chiều dài của nhà xưởng
+ Thiết bị an toàn của cầu trục:
- Thiết bị giới hạn hành trình di chuyển: Là thiết bị điện nhằm hạn chế di chuyển của cầu trục, của tời nâng khi đến những điểm giới hạn đặt trước.
- Ụ chặn: Là thiết bị lắp ở đầu và cuối đường chạy, phòng khi thiết bị giới hạn hành trình điện hỏng, cầu trục sẽ không phi ra khỏi đường ray.
- Thiết bị cảnh báo quá tải: Phòng cho trường hợp nâng quá tải trọng cho phép.
- Thiết bị chống va chạm cầu trục: Là thiết bị dùng để chống 2 cầu trục trên cùng đường chạy va vào nhau, hoặc cầu trục va vào các vật thể khác khi chuyển động.
- Thiết bị giới hạn hành trình móc nâng: là thiết bị nhằm giới hạn hành trình nâng/hạ móc cẩu.
- Còi & đèn quay báo hiệu khi cầu trục đang hoạt động.
- Các thiết bị an toàn khác như chống trật ray, chống cháy nổ, chống rơi tời nâng …
Ưu điểm của cầu trục 
+ Tiết kiệm không gian: Chạy trên cao nên sử dụng được toàn bộ không gian bên dưới.
+ Tải trọng nâng vật lớn hơn cẩu bánh lốp hoặc xe nâng.
+ Năng suất cao, đáp ứng được các nhà máy cần tần suất hoạt động lớn mà xe nâng hoặc cẩu bánh lốp không thể làm được.
Phân loại cầu trục: 
+ Cầu trục dầm đơn: là cầu trục có tời nâng chạy trên 1 dầm chính. Cầu trục này đáp ứng cho các tải trọng nâng nhẹ đến trung bình (<=20T).
+ Cầu trục dầm đôi: Là cầu trục có tời nâng chạy trên hai dầm chính. Cầu trục này đáp ứng được cho các loại tải trọng cao, chiều rộng nhà xưởng lớn nhờ kết cấu vững chắc.
+ Cẩu quay: Là cầu trục có thể xoay quanh 1 trục cố định, nhằm phục vụ nâng hạ trong một bán kính cố định.
+ Cầu trục dựa tường: Là loại cầu trục chạy dọc 1 bên của nhà xưởng. Nó thường được lắp ở tầng dưới của cầu trục trên cao (Overhead cranes), phục vụ cho việc nâng hạ ở 1 phía nhà xưởng.
+ Monorail: Là loại cầu trục chỉ chạy theo chiều tiến lùi trên một trục nhất định, phạm vi hoạt động tương đối hẹp.
+ Cổng trục: Bản chất nó hoạt động như là cầu trục, tuy nhiên nó được lắp ở không gian mở như những vị trí kho bãi chưa có nhà xưởng hoặc nhà xưởng cũ không đủ khả năng để lắp cầu trục thì cần lắp thêm chân để đỡ phần dầm chính ở trên cao.